Khiếm khuyết sửa chữa bắt cặp sai (dMMR deficient mismatch repair) giúp tiên lượng và chọn lựa điều trị miễn dịch ở bệnh nhân (BN) ung thư đại-trực tràng (UTĐTT), do đó, góp phần cải thiện sống còn của bệnh nhân. Nghiên cứu này nhằm xác định tỷ lệ dMMR trong UTĐTT và các yếu tố lâm sàng và mô bệnh học liên quan đến dMMR. 154 bệnh nhân UTĐTT tại Khoa Ung Bướu Bệnh viện Bình Dân từ 01/01/2020 đến 31/07/2021, có xét nghiệm hóa mô miễn dịch (HMMD) để xác định dMMR được đưa vào nghiên cứu. Phân tích liên quan đơn biến giữa tuổi, giới tính, tiền căn gia đình, vị trí bướu, giai đoạn bướu, và đặc điểm mô bệnh học của bướu (độ biệt hoá, thành phần tiết nhầy/tế bào nhẫn, thấm nhập lympho bào, phản ứng lympho dạng Crohn, và kiểu tăng trưởng tủy) với dMMR. Từ đó dùng hồi quy logistic đa biến để tìm ra yếu tố độc lập liên quan đến dMMR. Tỷ lệ dMMR là 21,4%, chủ yếu do mất biểu hiện MLH1/PMS2 (45,5%) và PMS2 (33,6%). Qua phân tích đơn biến có sự liên quan giữa dMMR và vị trí ung thư ở đại tràng phải so (p=0,001), bướu biệt hóa kém (p=0,007), bướu có thành phần tiết nhầy/tế bào nhẫn (p=0,004),có thấm nhập lympho bào (p<
0,001). Trong đó, vị trí bướu ở đại tràng phải[p=0,01,odds ratio(95%CI) 3,29 (1,33-8,13)] và thấm nhập lympho bào [p<
0,01, odds ratio (95% CI) 4,73 (1,87-11,98)] là các biến số độc lậpliên quan với tình trạng dMMR trong phân tích đa biến. dMMR thường gặp ở BN UTĐTT (1 trên 5 BN) và có liên quan với vị trí bướu ở đại tràng phải và có tình trạng thấm nhập tế bào lympho trong mô bướu.