Potassium chlorate (KClO3) là hợp chất được sử dụng để xử lý ra hoa nhãn vào mùa nghịch giúp tăng hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, sử dụng các hợp chất có gốc chlorate vượt liều lượng cho phép gây ô nhiễm môi trường, từ đó, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng. Mười bốn dòng vi khuẩn đã được phân lập từ các mẫu đất vườn nhãn ở quận Cái Răng, Cần Thơ có khả năng phân hủy KClO3, trong đó 7 dòng tạo sinh khối cao trong môi trường khoáng tối thiểu có bổ sung KClO3 (100 ppm) và glucose (2000 ppm). Trong môi trường khoáng tối thiểu lỏng có bổ sung KClO3 và glucose, hiệu suất phân hủy KClO3 của các dòng vi khuẩn cao hơn so với thí nghiệm không bổ sung glucose. Dòng CR10 và CR8 có hiệu suất phân hủy KClO3 cao nhất, tương ứng 99,8% và 97,4% sau 7 ngày nuôi cấy. Khi chủng vi khuẩn vào đất đã khử trùng có bổ sung KClO3 (375 ppm) và glucose (750 ppm), 2 dòng vi khuẩn CR10 và CR8 cũng có hiệu suất phân hủy KClO3 cao hơn các dòng vi khuẩn còn lại, đạt 94,4% và 93,7% sau 9 ngày nuôi cấy. Trong 2 dòng vi khuẩn tiềm năng, dòng CR8 có khả năng hóa hướng động theo KClO3. Phân tích trình tự gen 16S-rRNA cho thấy dòng vi khuẩn CR8 thuộc chi Enterobacter và được định danh là Enterobacter sp. CR8.