Lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây nên, có thể gặp ở hầu hết các bộ phận của cơ thể. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp, mà phổi là cơ quan ảnh hưởng trước tiên và nhiều nhất. Mục tiêu nghiên cứu Đánh giá kết quả điều trị các loại lao phổi phân loại theo tiền sử bệnh và tìm hiểu yếu tố liên quan đến điều trị không thành công ở bệnh nhân lao phổi chung tại tỉnh An Giang năm 2020-2021. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu Nghiên cứu sử dụng phương pháp mô tả cắt ngang trên 681 bệnh nhân lao phổi được được quản lý và điều trị tại các Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh An Giang từ tháng 05/2020- 05/2021. Thông tin thu thập gồm thông tin chung và kết quả điều trị loại lao phổi theo tiền sử bệnh. Kết quả Tỷ lệ điều trị thành công lao chung là 70,6%, trong đó điều trị thành công lao mới là 74,0%, lao tái phát là 57,8%, lao điều trị thất bại là 50,0%, lao bỏ trị là 20,0% và điều trị thành công ở nhóm lao khác là 62,5%. Các yếu tố liên quan đến điều trị lao không thành công bao gồm (p<
0,05) bệnh nhân cao tuổi (OR=13,698), trình độ học vấn (OR=2,5), nghề nghiệp (OR=4,975), suy dinh dưỡng (OR=1,8), hút thuốc lá (OR=1,492), tăng huyết áp (OR=5,194), đái tháo đường (OR=1,847). Kết luận Tỷ lệ bệnh nhân điều trị lao thành công tại tỉnh An Giang đạt mức khá cao (70,6%). Bệnh nhân tuổi cao, trình độ học vấn thấp, suy dinh dưỡng, có bệnh mạn tính kèm theo ảnh hưởng đến kết quả điều trị không thành công cao hơn các bệnh nhân khác.