Khảo sát đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và hình ảnh chụp PET/CT sử dụng 18F-FDG ở bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim cấp. Đối tượng và phương pháp Nghiên cứu bao gồm 45 bệnh nhân (BN) sau nhồi máu cơ tim cấp (NMCTC) được điều trị nội khoa tại Viện Tim mạch, Bệnh viện TƯQĐ 108, thời gian từ năm 2011 đến năm 2015. Các BN được tiến hành thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng và làm xạ hình tưới máu cơ tim (XHTMCT). Sau đó, tiến hành chụp PET/CT sử dụng 18F-FDG đánh giá cơ tim còn sống cho những BN có kết quả là khuyết xạ cố định trên XHTMCT và chụp động mạch vành cho các bệnh nhân có chỉ định. Kết quả Tuổi trung bình là 68,2±10,6 trong đó phần lớn các BN ≥60 tuổi chiếm 80%
nam giới chiếm 91,1%. Các yếu tố nguy cơ bệnh mạch vành tăng huyết áp (66,7%), hút thuốc (35,6%). LVEF trung bình (39,1±10,1%). Trên XHTMCT, 100% BN có vùng khuyết xạ cố định. Khuyết xạ cố định đơn thuần, mức độ nặng và diện rộng chiếm đa số có tỷ lệ lần lượt là 68,9% 93,3% và 93,3%. 95,6% số BN có diện khuyết xạ mức độ rộng trên kết quả 18F-FDG PET/CT. Khuyết xạ ở nhánh động mạch liên thất trước chiếm tỷ lệ cao nhất (62,2%). BN có tổn thương dạng sẹo cơ tim diện rộng chiếm tỷ lệ cao nhất (69,7%), diện trung bình và hẹp có tỷ lệ như nhau (15,2%) và tổn thương dạng cơ tim đông miên diện rộng chiếm tỷ lệ cao nhất (45,2%), dạng trung bình (35,5%). Kết luận Bệnh nhân NMCTC trong nghiên cứu có độ tuổi cao, nam giới chiếm chủ yếu và có các yếu tố nguy cơ bệnh mạch vành. Vùng cơ tim nhồi máu bị ảnh hưởng hay gặp ở vùng do động mạch liên thất trước chi phối và hay gặp tình trạng giảm chức năng tâm thu thất trái. Đánh giá sự sống còn cơ tim trên XHTMCT và 18F-FDG PET/CT cho thấy chủ yếu các bệnh nhân có mức độ tổn thương nặng và rộng.