Nghiên cứu tập trung vào 2 nhóm hộ đó là hộ tham gia Dự án "Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm từ măng tây tại tỉnh Thái Nguyên" và không tham gia dự án, nhằm đánh giá tình hình sản xuất mô hình cây măng tây trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Nghiên cứu đã sử dụng phương pháp điều tra, thu thập số liệu, phân tích thống kê để làm rõ những mục tiêu nghiên cứu đề ra. Kết quả cho thấy, hộ tham gia dự án đã được tham gia các lớp tập huấn về sản xuất măng tây nên mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, lợi nhuận của nhóm hộ tham gia dự án là khoảng 60 triệu/hộ/năm còn nhóm không tham gia dự án lại chỉ đạt 18,382 triệu/hộ/năm. Cả 2 nhóm hộ đều nhận định khó khăn lớn nhất của họ là thiếu vốn, nhóm không tham gia dự án thì mong muốn được tham gia đào tạo nhiều hơn trong sản xuất nông nghiệp nói chung và măng tây hữu cơ nói riêng.