Dưới tác động của các quá trình tự nhiên và hoạt động sản xuất của con người, hiện tượng thoái hóa và hoang mạc hóa đất đai ngày càng trở nên phổ biến. Đặc biệt trong bối cảnh BĐKH, thoái hóa đất đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng đến đời sống của người dân, trở thành một vấn đề được quan tâm đặc biệt của hầu hết các quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Bài báo đề cập đến một nghiên cứu về TNTH đặt dưới sự hỗ trợ của Hệ thông tin địa lí (GIS) trong thành lập bản đồ phân vùng thoái hóa đất, phục vụ quy hoạch, sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất tỉnh Bình Định - thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, nơi chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu và thiên tai. Nghiên cứu này xem xét đến 6 tiêu chí gây thoái hóa đất tiềm năng (Đá mẹ, vỏ phong hóa, độ dốc, tầng dày đất, đặc trưng địa mạo - thổ nhưỡng, tính cực đoan của khí hậu), với 3 cấp độ của mỗi chỉ tiêu (tiềm năng thoái hóa yẽu, tiềm năng thoái hóa trung bình và tiềm năng thoái hóa mạnh), từ đó chồng xếp, đánh giá và xác định các vùng có nguy cơ thoái hóa đất. Kết quả đó là cơ sở để định hướng quy hoạch không gian lãnh thổ cho các hoạt động sử dụng đất bền vững ở tỉnh Bình Định, đồng thời cũng là cơ sở đề xuất các giải pháp bảo vệ tài nguyên đất.