Kể từ khi Luật Di sản văn hóa ra đời đến nay đã tròn hai thập kỷ, sự ra đời của Luật Di sản văn hóa là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở nước ta. Lần đầu tiên di sản văn hóa phi vật thể đã được định danh và bảo vệ bằng một văn bản luật. Với dung lượng một chương trong Luật Di sản văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể đã được đặt ngang tầm với di sản văn hóa vật thể (di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh...) là điều chưa từng có trong lịch sử nước ta. Từ đó đến nay hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã có nhiều chuyển biến tích cực, từ nhận thức đến kết quả thực tiễn, di sản được kiểm kê, được ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, được ghi vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, hàng ngàn nghệ nhân được tặng danh hiệu cao quý, nhiều di sản đã được khôi phục. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề còn phải giải quyết, tháo gỡ để di sản văn hóa phi vật thể nước ta được bảo vệ và phát huy hiệu quả hơn trong thời gian tới.