Nghiên cứu này nhằm đánh giá ảnh hưởng của độ mặn lên tăng trưởng, tỷ lệ sống, hiệu quả sử dụng thức ăn và khả năng chịu sốc của cá khế vằn giai đoạn giống. Cá con có kích thước ban đầu 2,0 cm và khối lượng 0,18 g/con được thả ngẫu nhiên vào các bể composite (hình trụ tròn) có thể tích 70 L/bể. Bốn mức độ mặn được thử nghiệm gồm 5‰, 15‰, 25‰ và 33‰. Cá được ương với mật độ 2 con/L và cho ăn thức ăn viên với tỷ lệ 5 - 7% BW/ngày, chia làm 4 lần/ngày. Mỗi nghiệm thức được thực hiện với 03 lần lặp trong thời gian 28 ngày. Kết quả cho thấy độ mặn ảnh hưởng đáng kể đến các chỉ tiêu sinh trưởng, hệ số phân đàn, sinh khối, hiệu quả sử dụng thức ăn, tỷ lệ sống và khả năng chịu sốc nhiệt độ của cá. Nhìn chung, cá được ương ở độ mặn 25 - 33‰ cho kết quả tốt hơn cá nuôi ở độ mặn 5 - 15‰. Tuy nhiên, cá nuôi ở độ mặn thấp (5 - 15‰) lại chịu sốc nước ngọt tốt hơn cá nuôi ở độ mặn cao (25 - 33‰). Đáng chú ý, độ mặn không ảnh hưởng đến tỷ lệ dị hình của cá. Nghiên cứu cho thấy độ mặn từ 25 - 33‰ là thích hợp để ương cá khế vằn giai đoạn giống.