Sợi chuối là một trong những vật liệu thiên nhiên có thành phần cellulose cao được nghiên cứu ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như composite, giấy, túi lọc... Trong nghiên cứu này, hình thái và tính chất của sợi từ lá chuối sau khi xử lý với các tác nhân như H2O, NaOH, H2O2 ở các điều kiện khác nhau sẽ được khảo sát và đánh giá. Sự thay đổi về hình thái, kích thước và thành phần hóa học của sợi lá chuối được phân tích bằng kính hiển vi điện tử quét (SEM) và phổ hồng ngoại biến đổi Fourier (FTIR). Kết quả SEM cho thấy, sau khi xử lý với các tác nhân hóa học, các vi sợi được phân tách khỏi các bó sợi chuối và đường kính sợi trung bình đạt 34,3 μm. FTIR của các mẫu sợi sau xử lý cho thấy tác động của các tác nhân như H2O, NaOH, H2O2 lên thành phần hóa học của sợi. Sau khi xử lý với NaOH và H2O2, lignin, hemicellulose và các thành phần không phải cellulose đã được loại bỏ hầu hết trong sợi. Phần lignin còn lại có thể được sử dụng như chất kết dính khi chế tạo màng cellulose từ sợi chuối