Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đã tổng hợp thành công CNT từ nguồn khí thiên nhiên giàu CO2 sử dụng công nghệ CVD với xúc tác dạng đế bản mỏng. Sản phẩm CNT thu được thuộc loại đa tường (2 - 6 lớp) và có hiệu suất cao (hàm lượng CNT đạt ~100%). CNT có thể được tổng hợp trên xúc tác dạng đế bản mỏng từ nguồn nguyên liệu chứa CO2 đến hàm lượng 30%. Sự hiện diện của các hydrocarbon nặng hơn (C2+) và H2S trong nguyên liệu chủ yếu ảnh hưởng đến tính đồng nhất của sản phẩm CNT hình thành, trong đó, tạp chất H2S gây tác động mạnh nhất và cần được giới hạn trong nguyên liệu để kiểm soát tính chất và sự đồng đều của sản phẩm CNT. Theo kết quả tính toán sơ bộ, tiềm năng thị trường CNT tại Việt Nam đến năm 2030 có thể đạt gần 3.700 tấn/năm với nhu cầu sử dụng khí 13,5 triệu m3/năm (net hydrocarbon)
chi phí sản xuất 1 g CNT từ các nguồn khí giàu CO2 của Việt Nam khoảng 0,5 USD/g, thấp hơn so với chi phí hiện tại trên thị trường nội địa (khoảng 5 - 7 USD/g). Sản xuất vật liệu CNT là hướng đi tiềm năng để khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn khí thiên nhiên giàu CO2 của Việt Nam, đặc biệt từ các mỏ khí Lô B và Cá Voi Xanh.