Rừng phòng hộ vùng cát ven biển có vai trò rất quan trọng trong việc phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, bảo vệ và phát triển sinh kế của người dân. Nghiên cứu kĩ thuật trồng rừng phòng hộ bằng loài cây phi lao và keo lá liềm trên 2 nhóm dạng lập địa II và nhóm phụ dạng lập địa III1 tại Lệ Thủy (Quảng Bình) và Triệu Phong (Quảng Trị). Kết quả cho thấy, nhóm dạng lập địa có ảnh hưởng rõ đến tỷ lệ sống, các chỉ tiêu sinh trưởng và lượng tăng trưởng bình quân chung tương ứng về đường kính gốc, chiều cao và đường kính tán cây phi lao và keo lá liềm ở giai đoạn 24 - 27 tháng tuổi. Cả hai loài cây trồng rừng đều cho tỷ lệ sống cao (trên 82 % đối với cây phi lao và trên 94 % đối với cây keo lá liềm), các chỉ tiêu sinh trưởng phát triển khá trên những nhóm dạng lập địa có địa hình địa mạo là những cồn cát, bãi cát cố định
chế độ nước không ngập cả về mùa mưa và khả năng thoát nước tốt so với những nhóm dạng lập địa với địa hình địa mạo là cồn cát bán di động, không ngập hoặc bãi cát cố định ẩm ướt mùa mưa.