Đánh giá ảnh hưởng của số lần làm cỏ và mật độ cấy đến kiểm soát cỏ dại và năng suất lúa Hương thuần 8 canh tác theo hướng hữu cơ. Thí nghiệm được bố trí theo kiểu split-plot với ba lần nhắc lại. Nhân tố ô chính là số lần làm cỏ Không làm cỏ (L0), làm cỏ một lần sau cấy 20 ngày (L1), làm cỏ hai lần sau cấy 20 ngày và 40 ngày (L2) và làm cỏ thường xuyên (mỗi lần làm cỏ cách nhau 20 ngày cho đến khi lúa trỗ, L3). Nhân tố ô phụ là mật độ cấy 30 khóm/m2 (M1), 40 khóm/m2 (M2) và 50 khóm/m2 (M3). Kết quả cho thấy tăng số lần làm cỏ kết hợp với tăng mật độ cấy đã làm giảm số lượng và khối lượng chất khô của cỏ, dẫn đến tăng hiệu quả trừ cỏ. Các chỉ tiêu về sinh trưởng, chỉ tiêu sinh lý, các yếu tố cấu thành và năng suất lúa cũng tăng đáng kể khi tăng đồng thời số lần làm cỏ từ L0 lên L2 và tăng mật độ cấy từ M1 lên M2. Tuy nhiên, khi tăng số lần làm cỏ từ L2 lên L3 cũng như tăng mật độ cấy từ M2 lên M3 không có sự sai khác về chỉ tiêu năng suất. Năng suất hạt cao nhất đạt được ở công thức L2M2, L2M3, L3M2 và L3M3 (4,34-4,47 tấn/ha).