Khảo sát khả năng tăng sinh, di cư và biệt hóa của tế bào gốc (TBG) nhú chóp răng người sau khi đông lạnh bằng nitơ lỏng trong 18 tháng. Nghiên cứu được thực hiện trên 3 mẫu TBG nhú chóp. TBG gốc nhú chóp được phân lập và nuôi cấy theo phương pháp nuôi cấy mảnh mô tại Phòng thí nghiệm Kỹ nghệ mô và Vật liệu y sinh, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh. TBG nhú chóp thế hệ P3 được đông lạnh trong nitơ lỏng trong 18 tháng. Các tế bào được rã đông và cấy chuyền sang thế hệ P4 để thực hiện các thử nghiệm tăng sinh, di cư và biệt hóa với hai loại môi trường DMEM/F12 bổ sung 10% FBS (DMEM/F12 + 10% FBS) và DMEM/F12 (chứng âm). Thử nghiệm tăng sinh thực hiện nuôi cấy tế bào trên đĩa 96 giếng. Đếm số lượng TBG nhú chóp tại ngày 2, 4, 6, 8, 10. Thử nghiệm di cư nuôi cấy tế bào trên đĩa 6 giếng, thực hiện thí nghiệm đường rạch. Đo diện tích vùng vô bào tại thời điểm ngày 1, ngày 2 và ngày 3. Thử nghiệm biệt hóa biệt hóa TBC nhú chóp bằng môi trường biệt hóa xương. Sau đó, thực hiện qPCR đối với các gen alkaline phosphate (ALP), bone sialoprotein (BSP) và dentine matrix protein 1 (DMP-1). Số lượng TBG nhú chóp tăng dần đều từ ngày 2 đến ngày 8 và duy trì ở ngày 10. Trong khi đó ở nhóm DMEM/F12 không thấy có sự gia tăng đáng kể số lượng TBG nhú chóp. Phần trăm diện tích đường rạch cũng giảm ở cả hai nhóm, tuy nhiên, ở nhóm nuôi với môi trường DMEM/F12 + 10% FBS, tốc độ cải thiện nhanh hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm nuôi trong DMEM/F12. Đối với thử nghiệm biệt hóa, các gen ALP, BSP và DMP-1 có biểu hiện ở nhóm DMEM/12 + 10% FBS tại ngày 7 và ngày 14, trong đó biểu hiện của ngày 14 cao hơn của ngày 7 ở cả 3 gen liên quan đến biệt hóa xương. Tuy nhiên, không nhận thấy biểu hiện các gen này ở nhóm DMEM/F12. TBG nhú chóp sau khi rã đông vẫn duy trì được khả năng tăng sinh, di cư và biệt hóa đặc trưng của chúng.