Đánh giá hiệu quả của các phương pháp giảm đau đa mô thức sau phẫu thuật lấy thai (PTLT) và khảo sát các tác dụng không mong muốn của các phương pháp. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu Có tổng cộng 180 sản phụ (SP) được gây tê tủy sống để PTLT, sau khi ra phòng chăm sóc sau phẫu thuật được chia ngẫu nhiên thành 3 nhóm để giảm đau là Para- TAP, Para-Diclo và Para-Diclo-TAP. Nhóm Para-TAP gồm paracetamol kết hợp gây tê mặt phẳng cơ ngang bụng (gây tê TAP), nhóm Para-Diclo gồm paracetamol kết hợp diclofenac, nhóm Para-Diclo-TAP gồm paracetamol kết hợp diclofenac và gây tê TAP. Paracetamol được truyền tĩnh mạch 1g, uống 1g cách mỗi 8 giờ trong 24 giờ, diclofenac nhét đường trực tràng 1 giờ sau phẫu thuật, gây tê TAP được thực hiện khi ấn, sờ tử cung có điểm đau nhìn hình đồng dạng (VAS) 2 điểm. Cường độ đau được đánh giá theo thang điểm VAS tại các thời điểm 1, 2, 4, 6, 8, 12, 18, 24 giờ sau phẫu thuật, thống kê tỉ lệ yêu cầu giải cứu giảm đau và các tác dụng không mong muốn của các phương pháp. Giải cứu giảm đau bằng 5mg morphin tiêm tĩnh mạch chậm khi điểm VAS nghỉ ≥ 4 hoặc VAS vận động ≥ 5. Kết quả Điểm VAS nghỉ ≤ 3 của 3 nhóm lần lượt là 76,67%, 90% và 93,33%, điểm VAS vận động ≤ 3 của 3 nhóm lần lượt là 38,33%, 61,67% và 76,67%. Tỉ lệ SP cần giảm đau giải cứu của 3 nhóm lần lượt là 23,33%, 10% và 6,7%, trong đó nhóm Para-Diclo-TAP không có trường hợp nào cần giải cứu lần 2. Cả 3 nhóm có tỉ lệ ngứa mà buồn nôn chiếm tỉ lệ thấp. Nhóm Para-TAP hiệu quả hơn nhóm Para-Diclo trong 6 giờ đầu sau PTLT, nhóm Para-Diclo hiệu quả hơn từ 12 đến 24 giờ sau PTLT
nhóm Para-Diclo-TAP có hiệu quả hơn nhóm Para-Diclo trong 18 giờ đầu sau PTLT. Kết luận Cả 3 phương pháp đều có hiệu quả giảm đau sau PTLT, trong đó sự kết hợp của paracetamol, diclofenac, gây tê TAP mang lại hiệu quả cao vượt trội mà tác dụng không mong muốn tương đương với các phương pháp còn lại.