Hiện nay, tỉ lệ người dân bị bệnh ung thư đang tăng lên hàng năm. Bên cạnh các biện pháp điều trị như xạ trị, hóa trị, sử dụng tế bào gốc...thì các cây thuốc, các hoạt chất thiên nhiên vẫn luôn được quan tâm nghiên cứu và sử dụng. Với dung môi là cồn 90○, chúng tôi đã chiết được bốn loại cao lỏng hoa khô, hoa tươi, lá khô, lá tươi cây đu đủ đực. Trong điều kiện in vitro, các loại cao lỏng hoa khô, hoa tươi không thể hiện hoạt tính gây độc đối với các dòng tế bào nghiên cứu là MCF-7, A549, HT29, Huh 7R, HEK-293 và LLC. Cao lỏng lá tươi và cao lỏng lá khô thể hiện hoạt tính với chỉ số IC50 đạt từ 1,88-13,64 mg/mL, trong đó, cao lỏng lá tươi có hoạt tính cao gấp 4-6 lần cao lỏng lá khô. Cao lỏng lá tươi ở nồng độ 4 mg/mL và 0,8 mg/mL đã ức chế được 50,56% và 23,79% sự sản xuất IL-6 đại thực bào so với đối chứng âm (P<
0,01) một cách tương ứng, nhưng chưa thể hiện khả năng cảm ứng sinh IL-2 ở các nồng độ nghiên cứu. Trên chuột nhắt bị gây u thực nghiệm, cao lỏng lá tươi đã thể hiện rõ tác dụng kháng u tích cực so với nhóm đối chứng bệnh lí trong thời gian uống mẫu 28 ngày, với 2 liều dùng 3 mL/kg/ngày và 6 mL/kg/ngày (tương ứng khối lượng mẫu lá tươi là 30 g và 60 g). Cụ thể là sau 28 ngày, cao lỏng lá tươi ở mức liều 6 mL/kg/ngày đã ức chế khối u phát triển tới 33,44%, trọng lượng khối u giảm còn 9,84g (so với 13,76g) (P<
0,05)
chỉ số bạch cầu giảm mạnh còn 19,1 triệu/mL (so với 41,65 triệu/mL)
chỉ số AST giảm còn 1038,97 IU/L (so với 1441,60 IU/L), creatinin giảm còn 20,63 µmol/L (so với 26,37 µmol/L). Những kết quả này là bằng chứng khoa học cho thấy tiềm năng ứng dụng làm sản phẩm hỗ trợ ung thư của cao chiết lá cây đu đủ đực ở Hà Tĩnh.