Nghiên cứu nhằm đánh giá thành phần phiêu sinh thực vật tại Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư theo mùa. Mẫu phiêu sinh thực vật được xác định bằng phương pháp định tính và định lượng tại 20 vị trí đại diện cho các vùng sinh thái trong rừng. Đợt khảo sát mùa khô ghi nhận 119 loài thuộc 6 ngành, trong đó ngành tảo lục chiếm tỉ lệ cao nhất (34%), kế đến là tảo silic (29%), tảo mắt (24%), vi khuẩn lam (8%), Tảo giáp (4%), và thấp nhất là tảo vàng kim (1%). Đợt khảo sát vào mùa mưa ghi nhận 132 loài thuộc 6 ngành tảo, trong đó ngành tảo lục và tảo silic chiếm ưu thế với 29% tổng số loài khảo sát. Các ngành tảo đều có thành phần loài tăng trong mùa mưa, trong đó ngành tảo lục tăng cao nhất với 14 loài, kế đến là tảo silic với 12 loài. Số lượng loài tảo ghi nhận trên hệ thống kênh bên trong rừng đa dạng và nhiều hơn 21 loài so với kênh bên ngoài rừng. Mật độ tảo tại các điểm thu mẫu có sự khác biệt lớn trong hai mùa, theo đó, vào mùa khô, mật độ tảo từ 154 tế bào/L đến 53.020 tế bào/L, vào mùa mưa, mật độ tảo từ 360 tế bào/L đến 29.830 tế bào/L.