Bài báo này sử dụng dữ liệu từ Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA, Programme for International Student Assessment) năm 2015 để kiểm chứng giả thuyết nêu trong khung nghiên cứu về ảnh hưởng của đặc điểm nhân khẩu học và đặc điểm gia đình đến kết quả học tập của học sinh Việt Nam và học sinh một số nước Đông Á. Kết quả nghiên cứu cho thấy trong các đặc điểm nhân khẩu học, việc không đến trường mẫu giáo, việc đến trường học mẫu giáo dưới một năm, hoặc đến trường tiều học chậm tuổi đều có thể làm giảm kết quả học tập ở bậc trung học. Tuy nhiên, nghiên cứu không phát hiện thấy sự khác biệt có nghĩa thống kê giữa kết quả học tập của học sinh nữ và học sinh nam. Trong các đặc điểm gia đình, điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều khả năng ảnh hưởng đồng chiều và làm tăng kết quả học tập của học sinh. Các đặc điểm khác của gia đình có thể có những ảnh hưởng nhiều chiều khác nhau trong mối tương tác với nhau và với đặc điểm nhân khẩu học. Nghiên cứu cho thấy, học sinh Việt Nam có nhiều khả năng đạt được kết quả học tập cao hơn so với học sinh một số nước Đông Á.