Tác động của con người làm thay đổi cấu trúc rừng nhiệt đới có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thành phần và cấu trúc của nhiều quần xã sinh vật. Nghiên cứu này được thực hiện để đánh giá ảnh hưởng của độ che phủ rừng đến thành phần loài và cấu trúc quần xã bướm ăn quả tại rừng nhiệt đới trên núi đá vôi thuộc Rừng đặc dụng Hữu Liên, Lạng Sơn. Các phân mảnh rừng được điều tra tương ứng với ba mức độ che phủ rừng khác nhau cao (>
80%), trung bình (50-80%) và thấp (<
50%). Bướm ăn quả được thu thập bằng bẫy Van Someren-Rydon. Tổng cộng 30 bẫy được sử dụng và thiết lập đều trên ba phân mảnh rừng. Từ tháng 5 năm 2022 đến tháng 3 năm 2023, 27 loài bướm từ 557 cá thể đã được thu thập. Kết quả cho thấy quần xã bướm ăn quả tại khu vực rừng có độ che phủ trung bình có mức độ phong phú và đa dạng loài cao nhất. Mặc dù hầu hết các loài bướm ăn quả được tìm thấy ở cả ba phân mảnh rừng, phân tích đa hướng không gian (NMDS) cho thấy sự khác biệt rõ rệt trong cấu trúc quần xã bướm ăn quả giữa ba phân mảnh rừng. Hai loài Kallima incognita Nakamura & Wakahara và Stichophthalma fruhstorferi Röber được tìm thấy chủ yếu ở phân mảnh rừng có độ che phủ rừng cao và được xem xét là loài chỉ thị cho trạng thái rừng này. Nghiên cứu đã làm sáng tỏ ảnh hưởng của độ che phủ rừng đối với cấu trúc quần xã bướm ăn quả và nhấn mạnh tầm quan trọng của độ che phủ rừng trong bảo tồn và duy trì tính đa dạng sinh học côn trùng.