Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ (ASD) đang gia tăng, tỷ lệ mắc tại Hà Nội là 0,386% và tỷ lệ mắc tại thành thị cao gấp 2,7 lần tại nông thôn. Quan điểm của giáo viên mầm non đối với việc giáo dục trẻ ASD là quan trọng trong việc nhận biết trẻ ASD, từ đó đưa ra các biện pháp cải thiện giáo dục phù hợp đối với trẻ. Nghiên cứu nhằm mô tả quan điểm về giáo dục rối loạn phổ tự kỷ của giáo viên mầm non tại Hà Nội và xác định một số yếu tố liên quan. Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 208 giáo viên mầm non tại Hà Nội. Sử dụng bảng câu hỏi về kiến thức, thái độ và quan điểm về giáo dục trẻ em mắc ASD. Sử dụng mô hình BMA để tìm ra mô hình tối ưu, phân tích hồi quy tuyến tính đa biến để tìm các yếu tố tác động đến quan điểm của giáo viên. Phần lớn giáo viên đồng ý với việc trang bị kiến thức về phát hiện và đào tạo trẻ ASD. Quan điểm của giáo viên có mối tương quan với kiến thức chung về tự kỷ (p = 0,01) và thái độ của giáo viên về giáo dục trẻ tự kỷ (p <
0,05). Chính sách bảo hiểm cho rối loạn phổ tự kỷ cùng sự giúp đỡ của cha mẹ, bác sỹ trị liệu có ảnh hưởng đến quan điểm về giáo dục trẻ tự kỷ của giáo viên mầm non.