Nghiên cứu được tiến hành với mục tiêu mô tả đặc điểm lâm sàng rối loạn sự thích ứng với phản ứng trầm cảm kéo dài. Bằng phương pháp mô tả cắt ngang ở 32 người bệnh điều trị nội trú tại Viện Sức khỏe Tâm thần, bệnh viện Bạch Mai, được chẩn đoán chính xác là rối loạn sự thích ứng với phản ứng trầm cảm kéo dài (F43.21) theo tiêu chuẩn chẩn đoán của ICD 10. Kết quả nghiên cứu cho thấy phần lớn người bệnh rối loạn sự thích ứng với phản ứng trầm cảm kéo dài gặp ở độ tuổi từ 20 - 29 và 30 - 39 (28,1% và 25%). Tuổi trung bình của nhóm người bệnh này là 30,9 ± 13,4. Sang chấn tâm lý trong nhóm nghiên cứu gặp nhiều nhất là những sang chấn gia đình (90,6%). Trong 3 triệu chứng chính của trầm cảm, có 100% triệu chứng giảm năng lượng và tăng mệt mỏi. Trong 7 triệu chứng phổ biến của trầm cảm, triệu chứng rối loạn giấc ngủ là triệu chứng thường gặp nhất với tỉ lệ 96,9% và có tới 81,3% người bệnh có ý nghĩ tự sát và 59,4% người bệnh đã có hành vi tự sát. Trong 8 triệu chứng cơ thể của trầm cảm thì triệu chứng tỉnh giấc vào lúc sáng sớm hơn 2 giờ là triệu chứng gặp nhiều nhất với tỉ lệ (96,9%).