Từ góc độ luật tài sản so sánh, bài viết tập trung khảo cứu các án lệ và quan điểm pháp lý chính thống về "tiền ảo" tại các quốc gia đại diện cho cả hai hệ thống Thông luật (Anh, Hoa Kỳ) và Dân luật (trường phái Pandectists/Germantic của Đức, Hà Lan, Nhật Bản và trường phái Romanistic của Pháp) để xác định bản chất pháp lý của "tiền ảo". Bài viết cho rằng mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi khi sắp xếp "tiền ảo" vào các phân loại tài sản sẵn có, các quốc gia này hầu hết đều công nhận "tiền ảo" mang bản chất pháp lý của tài sản. Tuy nhiên, "tiền ảo" nên được xem là loại tài sản "phi truyền thống" - tài sản mã hoá được tạo nên bởi sự kết hợp công nghệ chuỗi khối và kỹ thuật mã hoá nhằm hướng tới đảm bảo tính xác thực trong xác nhận quyền, lợi ích nhất định của một chủ thể. Trong tương lai, các quan niệm, nguyên lý truyền thống của pháp luật tài sản cũng cần được đổi mới để thích nghi và đáp ứng yêu cầu đa dạng hoá các dạng thức mới của các loại tài sản phi truyền thống trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.