Hội chứng chuyển hóa (HCCH) đề cập đến một nhóm các yếu tố nguy cơ tim mạch bao gồm béo bụng, rối loạn lipid máu, huyết áp tăng và tăng glucose máu. Việc phát hiện HCCH hiệu quả không chỉ giúp tiên đoán nguy cơ mắc đái tháo đường (ĐTĐ) và bệnh tim mạch mà còn giúp hoạch định chiến lược quản lý có thể giảm gánh nặng chăm sóc sức khỏe của xã hội. Các nghiên cứu gần đây đã so sánh HbA1c với glucose và khám phá khả năng thay thế HbA1c cho tiêu chí glucose hoặc thêm HbA1c làm tiêu chuẩn chẩn đoán HCCH bổ sung. Do vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài này nhằm (1) So sánh việc sử dụng HbA1c với glucose máu lúc đói như một thành tố tăng glucose máu trong chẩn đoán hội chứng chuyển hóa ở đối tượng nghiên cứu. (2) Xác định điểm cắt của HbA1c trong tiên đoán hội chứng chuyển hóa ở đối tượng nghiên cứu. Phương pháp Sử dụng phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 338 đối tượng người trưởng thành không mắc ĐTĐ đến khám sức khỏe tại Trung tâm điều trị theo Yêu cầu và Quốc tế - Bệnh viện Trung ương Huế. HCCH được chẩn đoán theo đồng thuận của các tổ chức IDF, NHLBI, AHA, WHF, IAS, IASO năm 2009. Các thông số chu vi vòng bụng, huyết áp tâm thu, huyết áp tâm trương và hóa sinh (triglycerid, HDL-C, glucose máu đói và HbA1c) được xác định. Giá trị ngưỡng HbA1c để tiên đoán HCCH dựa vào phân tích ROC. Kết quả Có 148 đối tượng mắc HCCH (mô hình 3 glucose hoặc HbA1c) chiếm tỷ lệ 43,8% cao hơn 124 đối tượng mắc HCCH (mô hình 1 glucose) chiếm tỷ lệ 36,7% (p <
0,05). Với điểm cắt >
5,5%, HbA1c có giá trị trong tiên đoán HCCH (độ nhạy 72,3%, độ đặc hiệu 71,6%, AUC 0,756, p <
0,001). Kết luận Kết quả nghiên cứu của chúng tôi đề xuất vai trò tiềm năng của HbA1c như một tiêu chí trong chẩn đoán HCCH.