Theo hệ thống phân loại của tổ chức y tế thế giới (WHO), bạch cầu cấp dòng tủy được phân thành nhiều dưới nhóm khác nhau và hội chứng rối loạn sinh tủy/bạch cầu cấp dòng tủy thứ phát (t-MDS/AML) là một dưới nhóm trong phân loại đó. T-MDS/AML là một biến chứng sau điều trị hóa chất và/hoặc tia xạ và/hoặc thuốc ức chế miễn dịch ở bệnh nhân mắc bệnh lý ác tính nguyên phát (khối u đặc hoặc bệnh lý ác tính huyết học) hoặc không phải bệnh lý ác tính (lupus ban đỏ hệ thống,...). T-AML chiếm 10-20% tổng số trường hợp AML. T-MDS/AML thường gặp sau các bệnh lý u lympho Hodgkin (HL), u lympho không Hodgkin (NHL), bạch cầu cấp dòng lympho, sarcoma, ung thư buồng trứng, ung thư tinh hoàn, ung thư vú, đặc biệt là sau ghép tế bào gốc tạo máu tự thân. Mỗi năm có vài ngàn ca ghép tế bào gốc tự thân được thực hiện cho bệnh nhân u lympho tái phát. Ước tính tỉ lệ t-MDS/AML ở những bệnh nhân u lympho từ 1-14% trong thời gian từ 3-15 năm. Nguy cơ này thấp hơn ở những ca ghép tế bào gốc tự thân cho các bệnh ung thư vú, đa u tủy xương. Các yếu tố nguy cơ gồm tuổi, tình trạng trước điều trị, tiếp xúc với hóa chất trước và trong quá trình ghép. Những phác đồ trong ghép tế bào gốc tạo máu gồm những thuốc làm tăng nguy cơ t-MDS/AML đặc biệt là tác nhân alkyl hóa và chất ức chế topoisomerase II. Chúng làm tổn thương tế bào gốc tạo máu và hệ miễn dịch dẫn đến đột biến gen. Những bệnh nhân u lympho ghép tế bào gốc đồng loài khi điều trị với phác đồ giảm cường độ liều có thể cải thiện những hậu quả hơn so với phác đồ điều kiện hóa diệt tủy bởi vì liều hóa chất thấp hơn.