Tập thơ Rừng dậy men mùa của nhà thơ Đông Trình, Đối Diện xuất bản năm 1972, là tiếng lòng của một trí thức luôn đau đáu với nước non. Tập thơ là hai nửa của thực tại và viễn mộng, của chiến tranh và hoà bình đầy ám ảnh và xúc cảm. Qua những vần thơ khi mạnh mẽ, dữ dội
khi đằm thắm, hiền hoà, thảm cảnh chiến tranh và mĩ cảnh hoà bình đan quyện vào nhau đã thể hiện tinh thần can đảm cũng như trái tim nhân hậu của người cầm bút. Chiến tranh và hoà bình còn là sự thể hiện tài năng thơ ca của thi sĩ Đông Trình qua thi pháp thơ giàu ấn tượng với những hình ảnh và thủ pháp nghệ thuật độc đáo. Bằng phương pháp lịch đại, phương pháp cấu trúc - hệ thống, và phương pháp liên ngành, bài báo này khảo sát những sắc thái của chiến tranh và hoà bình, thái độ của người trí thức trước hiện thực cũng như cách thức biểu hiện những nội dung đó của thơ ca Đông Trình. Từ đó, khẳng định vị trí quan trọng của nhà thơ trong dòng thơ ca yêu nước, chống chiến tranh trước 1975, về cả tư tưởng chủ đề lẫn thi pháp thơ.