Tôm-rừng là mô hình sản xuất thuận thiên, phù hợp ở Đồng bằng sông Cửu Long. Việc xác định hiệu quả và tính ổn định của mô hình làm tham chiếu cho qui hoạch sản xuất là rất cần thiết. Nghiên cứu được thực hiện tại xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh và xã Viên An, Viên An Đông và Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau trong năm 2019-2020 nhằm đánh giá hiệu quả và tính ổn định của mô hình tôm-rừng. Cách tiếp cận có sự tham gia thông qua phỏng vấn người am hiểu, thảo luận nhóm và phỏng vấn 200 nông dân được thực hiện. Kết quả nghiên cứu cho thấy mô hình tôm-rừng có ưu điểm chi phí đầu tư thấp, đa dạng nguồn thu, ít rủi ro và bền vững về môi trường. Song, hạn chế của mô hình là hiệu quả tài chính thấp và sự ổn định không cao. Khó khăn chính của mô hình là con giống kém chất lượng, dịch bệnh, kỹ thuật nuôi của nông dân hạn chế, hệ thống hạ tầng giới hạn, tác động của biến đổi khí hậu và năng suất thấp.