Nghiên cứu đánh giá hiệu quả của phương pháp giảm mẫn cảm thuốc chống lao hàng 1 đường uống. Nghiên cứu được tiến hành trên 81 bệnh nhân lao phổi có chẩn đoán dị ứng thuốc lao, nhập viện tại khoa Lao hô hấp bệnh viện Phổi Trung ương từ tháng 8/2018 đến tháng 6/2019. Loại trừ bệnh nhân sốc phản vệ, dị ứng nặng, hội chứng SJS, Lyell, DRESS
có tình trạng co thắt đường thở không kiểm soát (FEV1 <
70%). 81 bệnh nhân được làm test kích thích để nhận dạng thuốc gây dị ứng, trong đó 52 bệnh nhân với tổng cộng 63 lần được giảm mẫn cảm theo phác đồ. 41 bệnh nhân (78,5%) thực hiện giảm mẫn cảm 1 thuốc, 11 bệnh nhân (21,5%) giảm mẫn cảm 2 thuốc. Tỉ lệ giảm mẫn cảm thành công lần lượt từ cao tới thấp EMB 87,5% (14/16 lần)
INH 80% (8/10 lần)
PZA 75% (12/16 lần)
RIF 70,6% (12/17 lần). Tỉ lệ giảm mẫn cảm thành công chung cho tất cả các thuốc 79,4%. Thuốc kháng histamin được sử dụng 36 lần (57,1%), corticoid + kháng histamin được sử dụng 9 lần (14,3%). 18 bệnh nhân (28,3%) không sử dụng kèm thuốc chống dị ứng khi giảm mẫn cảm. 39 bệnh nhân (75%) giảm mẫn cảm thành công, sử dụng được đủ phác đồ điều trị và 13 bệnh nhân (25%) thay thế phác đồ điều trị. Tóm lại, giảm mẫn cảm thuốc lao theo phác đồ có tỉ lệ thành công cao.