Sỏi san hô (SSH) là dạng sỏi phức tạp nhất, gây nhiều khó khăn trong điều trị. Việc điều trị sỏi trước đây ở nước ta chủ yếu là phẫu thuật mổ mở. Ngày nay do áp dụng các tiến bộ về chẩn đoán hình ảnh trong mổ và gây mê hồi sức, cũng như các phương tiện dụng cụ tán sỏi tiết niệu, mà việc điều trị đã có thay đổi đáng kể. Phẫu thuật tán sỏi thận qua da hiện là một lựa chọn điều trị ít xâm lấn và mang lại hiệu quả. Kể từ khi thành lập tại khoa Ngoại Tiết niệu, bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chúng tôi đã triển khai tán sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ với Amplatz 18Fr dưới hướng dẫn của siêu âm. Chúng tôi tiến hành nghiên cứu đánh giá kết quả điều trị SSH thận bằng tán sỏi qua da nhiều lần tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Đối tượng nghiên cứu gồm những bệnh nhân được chẩn đoán xác định là SSH thận được tán sỏi qua da (TSQD) nhiều lần (lớn hơn hoặc bằng hai lần) điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trong thời gian từ tháng 08 năm 2020 đến tháng 08 năm 2022. Nghiên cứu của chúng tôi gồm 65 bệnh nhân. Tuổi trung bình của nhóm bệnh nhân là 55,3 ± 17,2 tuổi. Tỷ lệ nam so với nữ là 2/3. Có 3 trường hợp tán lần thứ ba. Tỷ lệ còn sỏi là 23,1% với 15 bệnh nhân trong đó có 13 bệnh nhân còn sót lại sỏi nhỏ hoặc sỏi nằm trong các đài biệt lập. Hai bệnh nhân còn lại chưa đồng ý can thiệp lần thứ 3. Chúng tôi ghi nhận 6 trường hợp xảy ra biến chứng. Trong đó có 2 trường hợp sốc trong mổ lần 1 và 4 trường hợp phải nút mạch sau mổ do chảy máu. Các trường hợp này sau điều trị đều ổn định. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra rằng sử dụng phương pháp TSQD nhiều lần điều trị SSH là an toàn và hiệu quả trong việc đạt được tỷ lệ làm sạch sỏi cao. Đặt dẫn lưu sau TSQD lần thứ nhất ở bệnh nhân có SSH là cần thiết để chuẩn bị cho lần phẫu thuật tiếp theo.