Khảo sát tần suất và các yếu tố liên quan giảm oxy máu về đêm trên bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ngoại trú. Phương pháp nghiên cứu nghiên cứu mô tả cắt ngang. Có 101 bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính theo tiêu chuẩn GOLD 2019 tái khám ngoại trú được chọn. Các trường hợp bệnh nhân (1) không thể thu thập được bệnh sử, tiền căn bệnh nhân lú lẫn, không giao tiếp được, (2) các trường hợp kèm theo bệnh đồng mắc như hen, dãn phế quản di chứng sau lao phổi cũ... (3) đợt cấp COPD trong vòng 4 tuần gần đây, (4) đang điều trị oxy liệu pháp dài hạn tại nhà đã được loại ra khỏi nghiên cứu. Kết cục nghiên cứu chính là tần suất giảm oxy máu về đêm (SpO2 <
90% kéo dài trên 30% thời gian giấc ngủ). Phân tích số liệu bằng phần mềm Stata 14.0 (phiên bản miễn phí dành cho sinh viên). Cỡ mẫu được tính với khoảng tin cậy 95%, α là 0,5 và d là 10%. Kết quả nghiên cứu tần suất giảm oxy máu về đêm trên bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là 15,8% (16/101 bệnh nhân) và 7,9% (8/101 bệnh nhân) có kèm theo ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ. Nhóm bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính kèm giảm oxy máu về đêm có chỉ số khối cơ thể lớn hơn, %FEV1 sau test dãn phế quản thấp hơn và SpO2 ban ngày nhỏ hơn so với nhóm bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không kèm giảm oxy máu về đêm. Kết luận Tần suất giảm oxy máu về đêm trên bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ngoại trú là 15,8% trong đó có 7,9% (8/101 bệnh nhân) có kèm theo ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ. Chỉ số khối cơ thể, %FEV1 sau test dãn phế quản và SpO2 ban ngày có thể tiên đoán giảm oxy máu về đêm trên bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.