Phân tích, đánh giá các đặc tính quang học và vật lý của sol khí tại một khu vực đô thị ở thành phố Hà Nội dựa trên việc phân tích các sản phẩm số liệu đặc tính sol khí thu thập từ quang phổ kế đặt ở trạm đo mặt đất (Trạm AERONET Nghĩa Đô, Hà Nội) và từ vệ tinh viễn thám MODIS cho 3 mùa (mùa khô, mùa mưa và mùa chuyển tiếp) trong giai đoạn 2010-2018. Kết quả cho thấy, thông số độ dày quang học sol khí (AOD) có giá trị cao nhất trong mùa chuyển tiếp (1,24), tiếp đó lần lượt là trong mùa khô (0,94) và mùa mưa (0,57). Giá trị cao (1,34) của số mũ Angstrom đo ở các bước sóng 870 và 440 nm (AE440-870) phản ánh sự đóng góp chủ yếu của các hạt bụi mịn so với các hạt bụi thô trong tải lượng sol khí ở khu vực nghiên cứu. Các giá trị cao của số mũ Angstrom dập tắt (EAE440-480) và hấp thụ (AAE440-480) trong cả 3 mùa cho thấy, hai loại sol khí có nguồn gốc do đốt sinh khối và các hoạt động đô thị/công nghiệp đều tồn tại trong môi trường không khí ở khu vực nghiên cứu. Kết quả phân tích dữ liệu các điểm cháy ở khu vực Đông Nam Á thu thập từ số liệu vệ tinh MODIS và phân tích quỹ đạo chuyển động ngược của các khối không khí di chuyển đến địa điểm nghiên cứu ở Hà Nội cho một số giai đoạn của năm 2016 cho thấy, các hoạt động đốt sinh khối ở phạm vi vùng (miền Trung của Việt Nam và các quốc gia lân cận bao gồm Thái Lan, Lào, Campuchia) có thể là nguồn tác động đáng kể tới sự biến đổi đặc tính quang học và vật lý của sol khí trong giai đoạn cuối mùa khô và mùa chuyển tiếp tại khu vực nghiên cứu ở Hà Nội.