Trong nghiên cứu này, ảnh hưởng của các dung môi chiết (nước và ethanol 96%, 80%, 60% và 40%) đến hàm lượng polyphenol, flavonoid và hoạt tính chống oxy hóa dựa vào khả năng khử gốc tự do DPPH của cao chiết lá trầu không (Piper betle L.) đã được khảo sát. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hàm lượng phenolic tổng đạt cao nhất khi sử dụng dung môi chiết ethanol 40% (143,126 mg GAE/g DW). Hàm lượng flavonoid đạt giá trị cao nhất khi sử dụng dung môi ethanol 40% (255,94 mg QE/g DW). Đối với khả năng chống oxy hóa, dịch chiết lá trầu không khi sử dụng dung môi ethanol 60% cho thấy khả năng kháng oxy hóa cao nhất so với các dung môi còn lại (124,80 mg AAE/g DW). Các kết quả cho thấy tiềm năng ứng dụng lớn của dịch chiết lá trầu không cho các ngành mỹ phẩm, thực phẩm hiện nay.