Nghiên cứu nhằm định danh và xây dựng quy trình nuôi trồng loài nấm hương hoang dại thuộc chi Lentinus (được kí hiệu là Len I) và tìm ra môi trường tối ưu để nấm tạo thể quả với hiệu suất sinh học cao. Kết quả phân tích trình tự gen rRNA vùng ITS của chủng nấm nghiên cứu cho thấy chủng Len I có độ tương đồng 96% so với loài nấm dai Lentinus squarrosulus. Kết hợp với quan sát hình thái học của chúng có thể xác định đây có thể là một loài gần gũi nhất với loài Lentinus squarrosulus. Len I được thuần hóa trên môi trường nuôi cấy giống cấp I, II và tạo quả thể trong phòng thí nghiệm. Kết quả cho thấy, môi trường tốt nhất để nhân giống cấp I cho nấm Len I là môi trường PDA bổ sung nước dừa, tốc độ lan nhanh nhất, đạt 5,62 cm sau 5 ngày nuôi cấy. Môi trường hạt lúa bổ sung 5% cám là môi trường nhân giống cấp II tối ưu. Môi trường tạo thể quả thích hợp nhất là môi trường với tỉ lệ phối trộn là 90% mùn cưa + 5% bắp + 5% cám, hiệu suất sinh học đạt 10,56 % sau 68,6 ngày nuôi cấy.