Ba cấp độ phân tích (cá nhân, quốc gia và hệ thống quốc tế) được công nhận rộng rãi trong phân tích chính sách đối ngoại có thể được vận dụng để lý giải liệu Chính quyền Trump có thực sự có chính sách Biển Đông hay không. Ở cấp độ cá nhân, Tổng thống Trump lần đầu tiên công bố "Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở" của Mỹ vào tháng 11/2017, theo đó Biển Đông được coi là nhân tố quan trọng của trụ cột an ninh nhằm duy trì vùng trời và không gian hàng hải tự do và mở ở khu vực. Ở cấp độ quốc gia, Biển Đông tiếp tục được nhắc lại trong các Chiến lược quốc gia của Mỹ gồm Chiến lược An ninh Quốc gia, Chiến lược Quốc phòng Quốc gia và Chiến lược Quân sự Quốc gia. Bên cạnh đó, các thành viên trong nội các Mỹ và các nghị sĩ Quốc hội Mỹ cũng thể hiện sự ủng hộ đối với Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương nói chung và chính sách Biển Đông của Mỹ nói riêng. Để đương đầu với sự hung hăng trên biển của Trung Quốc ở cấp độ hệ thống, Chính quyền Trump đã không ngừng triển khai sức mạnh đáng kể, bao gồm việc tăng cường hiện diện quân sự, hỗ trợ xây dựng năng lực hàng hải cho khu vực cũng như triển khai các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) thường xuyên. Trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, việc đánh giá kỹ lưỡng chính sách Biển Đông của Chính quyền Trump sẽ có ý nghĩa đối với các nước có yêu sách ở vùng biển này, trong đó có Việt Nam.