Bê tông tro bay (Fly ash concrete - FAC) hiện được sử dụng rộng rãi do có nhiều ưu điểm so với bê tông truyền thống nhu cải thiện cường độ, độ bền, tăng khả năng làm việc, giảm nứt. Hơn nữa, sử dụng tro bay để thay thế một phần chất kết dính trong bê tông sẽ tận dụng được một lượng lớn tro bay (là một trong các chất thải công nghiệp) góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí. Trong số các đặc tính cơ học của FAC thì cường độ chịu nén là một trong những đặc tính quan trọng nhất. Nghiên cứu này phát triển mô hình máy học kết hợp dựa trên thuật toán cây quyết định và sử dụng kỹ thuật tăng cường để dự báo cường độ chịu nén của FAC. Hiệu suất dự báo của mô hình EBT được thể hiện thông qua 3 tiêu chí đánh giá là hệ số tương quan R = 0,946, căn của sai số toàn phương trung bình RMSE = 4,281 MPa và sai số tuyệt đối trung bình MAE = 3,053 MPa. Kết quả cho thấy mô hình EBT là một công cụ hiệu quả trong việc dự đoán cường độ chịu nén của FAC, giúp các kỹ sư tiết kiệm thời gian, giảm chi phí thí nghiệm.