Trong thời gian vừa qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn được đánh giá là một kênh tạo ra hiệu ứng năng suất tích cực cho các nước tiếp nhận đầu tư. Đối với các nền kinh tế đang phát triển, FDI còn được xem là nguồn tài chính quan trọng và do đó, thu hút FDI được coi là mục tiêu chính của các nhà hoạch định chính sách ở các nền kinh tế đang phát triển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các dữ liệu định lượng để tiếp cận chính xác tình hình môi trường FDI, qua đó có thể so sánh môi trường giữa các nước đang phát triển còn rất hạn chế. Để cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về toàn bộ môi trường từ nhiều góc độ khác nhau cho nhàđầu tư khi cân nhắc đầu tư vào một lĩnh vực kinh doanh nhất định, nghiên cứu này áp dụng phân tích PESTLE (Chính trị - Kinh tế - Xã hội - Công nghệ - Pháp lý - Môi trường) để khảo sát một số đặc điểm về môi trường FDI tại Việt Nam. Bằng cách xem xét một số chỉ tiêu vĩ mô của Việt Nam theo khung PESTLE từ năm 2005, kết hợp với dữ liệu FDI ở cấp quốc gia, kết quả cho thấy (i) cả sáu tiêu chí trong khung phân tích PESTLE đều có liên quan đến dòng vốn FDI vào Việt Nam
và (ii) Các cam kết AEC đã và đang mở rộng hình lục giác PESTLE của Việt Nam để thu hút FDI, đặc biệt là về góc độ kinh tế và pháp lý.