Song song với độ tin cậy, độ xác trị trong kiểm tra đánh giá ngôn ngữ từ lâu đã giữ vai trò quan trọng trong các nghiên cứu (Bachman & Palmer, 1996). Bài báo này phân tích các lý thuyết cơ bản và các nghiên cứu thực nghiệm về độ xác trị để cung cấp khái niệm tính xác trị trong kiểm tra đánh giá ngôn ngữ, các tiểu loại xác trị, các khung lý thuyết đo độ xác trị và các khuynh hướng nghiên cứu thực nghiệm tính xác trị. Có bốn kết quả chính thu được qua phân tích. Thứ nhất, tính xác trị trong bài kiểm tra ngôn ngữ đánh giá chất lượng bài kiểm tra ngôn ngữ dựa trên nội dung bài thi, tiêu chí bài thi, hệ quả bài thi thông qua việc xác định ý nghĩa và việc sử dụng điểm số. Thứ hai, độ xác trị của năng lực ngôn ngữ là một thuật ngữ chủ chốt khi phân loại các độ xác trị. Thêm vào đó, khung phân loại tiền xác trị và hậu xác trị sẽ giúp nhà nghiên cứu lựa chọn hướng xác trị rõ ràng hơn. Thứ ba, khung lý thuyết xác trị dựa trên ba mô hình chính của Messick (1989), Bachman (1996) và Weir (2005). Một kết luận nữa trong nghiên cứu này là phần lớn các nghiên cứu về độ xác trị mà tác giả đã tiếp cận đều dựa trên các bài thi có tầm quan trọng lớn, ở quy mô quốc tế hoặc quốc gia. Kết quả nghiên cứu cho thấy mảnh đất nghiên cứu độ xác trị trong bài thi ngôn ngữ còn rất rộng.