Nghiên cứu sử dụng thức ăn ương tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) trong ruộng lúa được thực hiện ở huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau với hai nghiệm thức bổ sung thức ăn và không bổ sung thức ăn. Tôm bột được thả với mật độ 3 con/m2. Trong quá trình ương một số chỉ tiêu thủy lý hóa, phiêu sinh vật và động vật đáy trong ruộng ương được thu mẫu hai lần mỗi tháng. Kết quả cho thấy các yếu tố môi trường nước (nhiệt độ, pH, độ mặn, độ kiềm, oxy hòa tan, N-NH4+ và N-NO2 -), phiêu sinh động vật, động vật đáy đều không ảnh hưởng bất lợi đến quá trình sinh trưởng và phát triển của tôm càng xanh. Sau 2,5 tháng ương, khối lượng trung bình của tôm ở nghiệm thức 1 và 2 lần lượt là 4,47 ± 0,05 g/con và 3,78 ± 0,13 g/con, tốc độ tăng trưởng tuyệt đối 0,059 ± 0,059 g/ngày và 0,050 ± 0,046 g/ngày. Tỷ lệ sống và năng suất của tôm ở nghiệm thức 1 (lần lượt là 56,4% và 7,56 ± 0,58 g/m2) cao hơn có ý nghĩa (p<
0,050) so với tôm ở nghiệm thức 2 (lần lượt là 37% và 4,20 ± 0,33 g/m2). Như vậy, ương tôm càng xanh trong ruộng lúa có bổ sung thức ăn cải thiện tăng trưởng, tỷ lệ sống và năng suất.