Từ sau khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, đời sống kinh tế, văn hóa của đồng bào các tộc người thiểu số ở Việt Nam ngày càng được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh các chính sách chung thì các chính sách về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cũng được thực thi trên cơ sở đặt văn hóa là "mục tiêu và động lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội". Điều đó góp phần làm cho nhiều di sản văn hóa của các tộc người được bảo tồn và được phổ biến ra ngoài cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực thì thực tiễn ở nhiều địa phương cũng cho thấy xu hướng mai một, biến mất của nhiều di sản văn hóa truyền thống. Qua nghiên cứu thực trạng bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của cộng đồng tộc người Thái ở một số bản di dân tái định cư xây dựng dự án hồ thủy điện Sơn La, bài viết đưa ra một vài đề xuất, khuyến nghị cho công tác này trong thời gian tới.