Trong bức tranh giao tiếp ngày nay, nhiều phương tiện tạo nghĩa khác thường được phối hợp sử dụng bên cạnh ngôn ngữ. Bài viết này tiếp cận hướng nghiên cứu mới mẻ này, Phân tích diễn ngôn đa thức, với đối tượng khảo sát là một thể loại dành cho thiếu nhi. Cụ thể, công trình này khảo sát xem nội dung một câu chuyện được xây dựng như thế nào bằng hai phương tiện ngôn ngữ và hình ảnh. Dữ liệu nghiên cứu là truyện tranh Cô bé quàng khăn đỏ, với phần lời bằng tiếng Anh. Mối quan hệ giữa hai phương thức được phân tích dựa trên khung lý thuyết của Unsworth (2006). Kết quả phân tích cho thấy trong truyện tranh này tác giả sử dụng cả hai loại quan hệ Mở rộng và Phóng chiếu, với tần suất xấp xỉ bằng nhau
tuy nhiên, các tiểu loại trong mỗi loại lại có tỷ lệ khác biệt lớn. Trong số các tiểu loại, quan hệ Phát ngôn có tỷ lệ lớn nhất, chiếm gần một nửa tổng số các mối quan hệ xuyên suốt cả truyện tranh. Đây có thể được xem như là một nét đặc trưng của thể loại diễn ngôn này. Trong các tiểu loại thuộc quan hệ Mở rộng, quan hệ Đồng nhất và Bổ sung có tần suất sử dụng gần bằng nhau, và lớn hơn nhiều so với quan hệ Tăng cường. Về lý luận, kết quả nghiên cứu đóng góp những số liệu làm cơ sở cho những nghiên cứu tiếp sau về truyện tranh cũng như các thể loại văn học khác dành cho thiếu nhi dưới ánh sáng của lý thuyết phân tích diễn ngôn đa thức. Những kết quả nghiên cứu cũng là những đóng góp vào các định hướng khai thác các nguồn tài liệu tiếng Anh trực tuyến vào thực tiễn phát triển năng lực tiếng Anh cho lứa tuổi thiếu nhi.