Giữa thập niên 1980, truyện ngắn Con chó và vụ ly hôn của nhà văn Dạ Ngân là một trong những hiện tượng sáng tạo văn học đáng chủ ý, tạo ra những làn sóng tiếp nhận đối nghịch nhau. Hai vấn đề trọng tâm khiến cho tác phẩm này gây ra nhiều tranh cãi là (1) việc đặt loài vật vào vị thế cân bằng, bình đẳng với con người, làm bật lên mối quan hệ gắn bó, gần gũi đặc biệt giữa con vật và phụ nữ, đồng thời, phản ánh mâu thuẫn giữa nam giới và nữ giới trong tương tác với tự nhiên và (2) sự tái hiện một cách trực diện, đầy tỉnh hiện thực về đời sống tính dục từ cái nhìn của nữ giới. Sự vận hành theo nguyên lý nam giới trung tâm (trong quan hệ giới tinh) và con người trung tâm (trong quan hệ với tự nhiên) của văn hóa, xã hội loài người là nguyên do cốt lõi hình thành nên xung đột và đứt gãy trong mối quan hệ tam giác nam giới - nữ giới - loài vật. Từ góc nhìn của lý thuyết nữ quyền sinh thái, bài viết phân tích hành trình sống và tương tác giữa phụ nữ và con vật trong bối cảnh nam trị, sự tác động và mối quan hệ nhân quả của đạo đức sinh thái và nhân tính. Ngoài ra, việc phân tích những diễn ngôn sinh thái, diễn ngôn giới và diễn ngôn tiếp nhận cũng mang lại những suy ngẫm xoay quanh tâm thức cộng đồng về vấn đề phụ nữ và sinh thái.