Việt Nam có số lượng khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) đứng thứ hai ở khu vực Đông Nam Á với 9 khu, diện tích trên 4,3 triệu ha. Dựa vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, nhiều KDTSQ đã triển khai một số hoạt động để quản lý theo hướng bền vững. Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại một số các thách thức trong quản lý cần phải được giải quyết để để đảm bảo hiệu quả quản lý của các KDTSQ tại Việt Nam. Bài viết phân tích các thách thức này, bao gồm các thách thức về chính sách quản lý, tổ chức bộ máy quản lý, tổ chức thực hiện hoạt động quản lý và nguồn lực cho quản lý. Kết quả cho thấy, hiện tại, KDTSQ vẫn chưa được thể chế hóa trong hệ thống luật pháp quốc gia như một chủ thể quản lý thống nhất. Cơ cấu quản lý, kế hoạch quản lý KDTSQ không thống nhất và không được phân định đầy đủ ở cả cấp quốc gia và cấp địa phương. Việc xây dựng và thực hiện các kế hoạch, điều phối, hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các bên liên quan tại các KDTSQ còn chưa đầy đủ và việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn để đạt đến hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, nguồn lực cho quản lý vẫn còn một số hạn chế, đặc biệt là nhân lực và tài chính.