Rối loạn âm lời nói là một dạng rối loạn giao tiếp phổ biến và có ảnh hưởng lâu dài ở trẻ em. Việc chẩn đoán và đánh giá rối loạn âm lời nói có vai trò quan trọng trong quá trình can thiệp, giúp xác định được tình trạng rối loạn âm lời nói, hỗ trợ thiết lập mục tiêu, lên kế hoạch can thiệp và kiểm soát sự tiến bộ của trẻ. Nhằm mục đích xác định và mô tả các tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn âm lời nói ở trẻ em, bài báo này sử dụng phương pháp nghiên cứu tổng quan mô tả và phân tích nội dung từ 14 nghiên cứu ở 6 nước khác nhau trên thế giới. Kết quả phân tích cho thấy, tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn âm lời nói ở trẻ em được đề cập trong 14 nghiên cứu bao gồm 1) phần trăm âm vị đúng (ví dụ, phần trăm phụ âm đúng, phần trăm nguyên âm đúng)
2) quy trình âm vị
3) sự "lo lắng" của phụ huynh và giáo viên về lời nói và phát âm của trẻ
và 4) tính dễ hiểu lời nói của trẻ. Mặc dù điểm trung bình phần trăm âm vị đúng khác nhau ở các nghiên cứu nhưng điểm trung bình phần trăm âm vị đúng để xác định rối loạn âm lời nói ở trẻ em trong các nghiên cứu được xác định là thấp hơn điểm trung bình theo 4 mức 1 độ lệch chuẩn, 1,33 độ lệch chuẩn, 1,5 độ lệch chuẩn và 2 độ lệch chuẩn. Quy trình âm vị được xác định là tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn âm lời nói là những quy trình âm vị ít hoặc hiếm gặp hoặc bất thường so với quy trình âm vị ở trẻ bình thường. Trẻ rối loạn âm lời nói đều có lo lắng của cha mẹ và giáo viên về tình trạng phát âm. Điểm trung bình của tính dễ hiểu lời nói được đo bằng Thang đo tính dễ hiểu theo ngữ cảnh được xác định là ở dưới mức 4 điểm. Bài báo tổng quan mô tả về các tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn âm lời nói ở trẻ em này góp phần cung cấp thông tin hữu ích trong lượng giá và chẩn đoán rối loạn âm lời nói