Tự chủ đại học là điều kiện cần thiết để thực hiện phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo. Xu hướng chung trên thế giới hiện nay là chuyển dịch từ mô hình Nhà nước kiểm soát sang mô hình Nhà nước giám sát với các mức độ tự chủ cao hơn để tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học vận hành hiệu quả. Kết quả nghiên cứu cho thấy, thực hiện cơ chế tự chủ tài chính về nguồn thu, mức thu
sử dụng nguồn tài chính
sử dụng kết quả tài chính trong năm và trích lập các quỹ đã giúp các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương chủ động quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) giao tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời, giúp các trường tăng nguồn thu ngoài NSNN thông qua đa dạng hóa hoạt động sự nghiệp, liên doanh, liên kết. Tuy nhiên, thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc từ cơ chế, chính sách cho đến quá trình triển khai thực hiện. Bài viết tập trung đánh giá thực trạng cơ chế tự chủ tài chính tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương, làm cơ sở đề xuất một số giải pháp hoàn thiện cơ chế tự chủ tài chính tại các trường đại học công lập trong thời gian tới.