Đánh giá kết quả điều trị phẫu thuật u lợi bằng dao thường ở phụ nữ mang thai tại Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội. Đối tượng và phương pháp Nghiên cứu được tiến hành trên 30 phụ nữ mang thai trong thai kỳ II (từ tuần thai thứ 13 đến 24), có u lợi có cuống, tiền sử khỏe mạnh và thai kỳ bình thường. Các đối tượng được khám lâm sàng để đánh giá các chỉ số lợi (GI), chỉ số chảy máu rãnh lợi (SBI), đánh giá tình trạng u lợi vị trí, độ phì đại ở các thời điểm trước phẫu thuật (PT), sau PT 1 tháng, 2 tháng. Phương pháp điều trị Lấy cao răng, cắt u lợi bằng dao thường dưới gây tê tại chỗ, xử trí các nguyên nhân gây viêm, phối hợp thuốc kháng sinh, chống viêm, giảm đau, hướng dẫn vệ sinh răng miệng. Sử dụng thống kê y học để phân tích các kết quả thu được. Kết quả U lợi có cuống ở PNMT có kích thước lớn, chủ yếu là phì đại độ 3 với tỷ lệ 73,3%, thường gặp ở vùng răng cửa hàm trên với tỷ lệ 53,3%. Mức độ viêm lợi (GI) tại vị trí u lợi liên quan đến độ phì đại của u lợi ở mức có ý nghĩa thống kê (p<
0,05). Sau khi điều trị u lợi có cuống bằng phương pháp phẫu thuật với dao thường chỉ số GI, SBI tại vị trí phẫu thuật có mức giảm đáng kể sau 1 tháng điều trị, sau 2 tháng tiếp tục giảm thêm (sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p <
0,001). Sau điều trị, tỷ lệ tái phát u lợi là 6,7%. Kết luận Phương pháp điều trị phẫu thuật cắt u lợi có cuống bằng dao thường thực sự có hiệu quả trong việc cải thiện tình trạng lợi cho bệnh nhân là phụ nữ mang thai.