Từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Nhật Bản đẩy mạnh hoạt động thương mại và đầu tư vào Đông Nam Á trong đó có Đông Dương thuộc Pháp. Vốn là một tiểu vùng có tài nguyên thiên nhiên phong phú và thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng, Đông Dương đã trở thành điểm sáng thu hút các thương nhân và doanh nghiệp Nhật Bản. Thương nhân Nhật Bản đã có mặt tại Đông Dương thuộc Pháp từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX cùng với sự bùng nổ của làn sóng di dân sang các nước Đông Nam Á từ cuối thời kỳ Minh Trị. Trong giai đoạn đầu, số lượng các thương nhân Nhật tại Đông Dương tương đối ít và chủ yếu kinh doanh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hoặc mua bán tạp hoá. Bên cạnh các thương nhân, từ những năm đầu thế kỷ XX, các tập đoàn kinh tế và công ty của Nhật Bản đã bắt đầu mở văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại Đông Dương như Mitsui, Mitsubishi, Menka với lĩnh vực kinh doanh chính là thu mua lúa gạo và than đá. Tuy nhiên, hoạt động thương mại của người Nhật ở Đông Dương trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ XX đến nửa sau những năm 1930 có rất nhiều hạn chế do nhiều nguyên nhân khác nhau. Từ cuối những năm 1930 đầu những năm 1940, cùng với việc thúc đẩy chính sách nam tiến về mặt thương mại của Nhật Bản đối với khu vực Đông Nam Á và đặc biệt là việc quân đội Nhật Bản tiến vào Đông Dương, các thương nhân và doanh nghiệp Nhật đã tăng cường sự hiện diện và mở rộng hoạt động thương mại ở khu vực này, góp phần thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế ngoại thương của Đông Dương cũng như mối quan hệ thương mại giữa Nhật Bản và Đông Dương. Bằng việc sử dụng phương pháp lịch sử và logic trong quá trình nghiên cứu mà cụ thể là căn cứ vào bối cảnh lịch sử trong từng giai đoạn cụ thể để phân tích những hoạt động thương mại của các thương nhân và các công ty Nhật Bản ở Đông Dương, bài viết hướng tới việc đánh giá một cách logic và có hệ thống những đặc điểm nổi bật đáng chú ý trong hoạt động thương mại của người Nhật ở tiểu vùng này.