Xác định một số đặc điểm của bệnh nhân loét tỳ đè tái phát. Đối tượng phương pháp nghiên cứu Nghiên cứu hồi cứu bệnh án kết hợp với phỏng vấn qua điện thoại đã được thực hiện trên 108 bệnh nhân trên 18 tuổi, bị loét tỳ đè tái phát vào điều trị tại Trung tâm Liền vết thương, Bệnh viện Bỏng Quốc gia từ tháng 1 năm 2017 đến tháng 12 năm 2021. Kết quả Bệnh nhân loét tỳ đè tái phát gặp chủ yếu ở Nam giới với tỷ lệ Nam/nữ 5,75. Độ tuổi trung bình là 48,1±15,37 tuổi. Trong đó gặp nhiều nhất ở độ tuổi từ (41-60] với 42,6%. 81,48% số bệnh nhân bị liệt, 14,81% số bệnh nhân bại yếu. 100% bệnh nhân có bệnh lý kết hợp trong đó gặp với tỷ lệ cao nhất là bệnh nhân có chấn thương cột sống/ tủy sống (63,89%). Bệnh nhân hầu hết tiểu tiện và đại tiện không tự chủ (chiếm 88,89% và 87,03). Vết loét tái phát gặp nhiều ở ụ ngồi (45,07%) và cùng cụt (41%). 66,67% số bệnh nhân không được áp dụng các biện pháp trị liệu phối hợp (áp lực âm, ô xy cao áp) trong quá trình điều trị tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia trước đó. 31,48% số bệnh nhân không được tập phục hồi chức năng và 43,53% bệnh nhân được người nhà không có chuyên môn hỗ trợ tập phục hồi chức năng ở nhà. 87,97% số bệnh nhân được trăn trở thay đổi tư thế không đúng cách. Kết luận Bệnh nhân loét tỳ đè tái phát có đặc điểm phong phú. Bệnh nhân Nam giới, bị liệt do chấn thương cột sống, tuỷ sống, đại tiểu tiện không tự chủ, loét vùng ụ ngồi, không được áp dụng các trị liệu phối hợp điều trị vết thương, bệnh nhân không được tập phục hồi chức năng và trăn trở, thay đổi tư thế đúng cách có tỷ lệ loét tỳ đè tái phát cao.