Hội chứng chuyển hóa (HCCH) là một trong những vấn đề sức khỏe toàn cầu. Chẩn đoán hội chứng chuyển hóa trên bệnh nhân nhồi máu cơ tim càng được chú ý nhiều hơn. Tuy nhiên tại Việt Nam, còn ít nghiên cứu hội chứng chuyển hóa trên đối tượng nhồi máu cơ tim cấp. Mục tiêu Nghiên cứu này được tiến hành để xác định tần suất và đặc điểm của hội chứng chuyển hóa trên bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp. Đối tượng Bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp được điều trị tại khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện Chợ Rẫy từ tháng 11/2022 đến tháng 5/2023. Phương pháp nghiên cứu Nghiên cứu cắt ngang mô tả. Kết quả Có 199 bệnh nhân thỏa tiêu chuẩn nghiên cứu, tuổi trung bình của dân số nghiên cứu là 64,5 ± 11,3 và tỉ lệ namnữ là 2,71. Tiền căn trong dân số nghiên cứu ghi nhận tăng huyết áp và hút thuốc là 2 yếu tố thường gặp nhất với tỉ lệ lần lượt là 31,66% và 42,71%. HCCH gặp ở 136 bệnh nhân chiếm tỉ lệ 68,34%. Tỉ lệ nữ giới mắc HCCH cao hơn nam giới (81,33% và 63,69% với p= 0,019). Nhóm bệnh nhân có HCCH có giá trị trung bình vòng eo (cm), huyết áp tâm thu (mmHg), huyết áp tâm trương (mmHg), glucose máu (mg/dL) và triglyceride máu (mg/dL) đều cao hơn và giá trị HDL-c máu (mg/dL) thấp hơn so với nhóm không có HCCH, khác biệt có ý nghĩa với p <
0,05. Trong nhóm HCCH, thành phần tăng đường huyết chiếm tỉ lệ cao nhất với 94,85%, tiếp theo là giảm HDL-c (92,65%), thành phần ít gặp nhất là huyết áp (47,06%). HCCH với 3 thành phần chiếm tỉ lệ cao nhất với 42,65%. Nhóm có HCCH có tỉ lệ Killip IV lúc nhập viện có xu hướng cao hơn nhóm không có HCCH với OR 2,23 (KTC 95%, 0,61 - 12,88, p=0,194). Tỉ lệ rối loạn chức năng thất trái (LVEF ≤ 40%) không khác biệt giữa hai nhóm với p = 0,841. Tần suất hội chứng chuyển hóa trên bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp là 68,34%.Trong nhóm HCCH, thành phần tăng đường huyết thường gặp nhất và HCCH với 3 thành phần chiếm tỉ lệ cao nhất.