Trong bối cảnh Việt Nam chú trọng vấn đề phát triển bền vững, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh thực hiện chương trình canh tác bền vững trên đất dốc trồng sắn thông qua các biện pháp nông nghiệp bảo tồn, bao gồm trồng sắn-bằng cỏ
trồng sắn-bằng thân cây sắn
trồng sắn-băng cốt khí
trồng sắn-đậu
trồng sắn-cây lâm nghiệp. Sau 17 năm áp dụng, việc đánh giá tác động của các biện pháp trên nhằm đo lường mức độ phù hợp, hiệu quả, tác động và tính bền vững của các biện pháp là cần thiết. Để thực hiện mục tiêu đó, nghiên cứu sử dụng phương pháp phỏng vấn ngẫu nhiên 488 hộ trồng sắn, kết hợp với phỏng vấn chuyên gia và thực hiện 6 thảo luận nhóm tập trung. Thống kê mô tả, thống kê so sánh và phương pháp đánh giá tác động được sử dụng cho nghiên cứu này. Kết quả cho thấy, các biện pháp nông nghiệp bảo tồn đã tác động tích cực đến (i) Môi trường giúp cải thiện chất lượng đất và kiểm soát sâu, bệnh hại
(ii) Kinh tế tăng năng suất và thu nhập hỗn hợp của người dân
(iii) Xã hội góp phần nâng cao nhận thức của người dân về các vấn đề trong canh tác sắn bền vững. Trong các giải pháp bảo tồn, giải pháp trồng xen sắn-đậu đen mang lại hiệu quả nhanh nhất trong ngắn hạn về cải thiện độ phì đất và đạt hiệu quả cao nhất về thu nhập hỗn hợp của hộ gia đình. Các giải pháp trồng băng chống xói mòn yêu cầu nhiều thời gian hơn trong việc nâng cao độ phì đất.