Những thập niên 1960-1970 đánh dấu sự sôi động của môi trường tri thức phương Tây, đặc biệt với sự nở rộ của các trào lưu lý thuyết mới trong khoa học xã hội và nhân văn. Lý thuyết trường của Pierre Bourdieu xuất hiện như một sự phản ứng tri thức trước những trào lưu lý thuyết tiền hữu, như Cấu trúc luận, học thuyết Marxisme hay khái niệm ý thức tập thể của Émile Durkheim,... Khởi đi từ nguyên lý lý thuyết nhận thức về xã hội, được xem như một hình thái xác thực của phi-ý thức, Bourdieu đề cập đến các mối quan hệ xã hội được thiết lập giữa các điều kiện và các vị trí xã hội. Theo đó, các mối quan hệ xã hội còn mang tính thực tế hơn cả những chủ thể tham gia vào các mối quan hệ đó. Từ đây, ông đề nghị các cơ chế cấu trúc thống trị và cạnh tranh để chứng minh sự tồn tại của trò chơi xã hội. Không gian của trò chơi xã hội chính là cái mà Bourdieu gọi là ``trường''. Có các trường khác nhau tương ứng với các lĩnh vực xã hội khác nhau. Bài viết này sẽ phác họa một cách tổng thể quá trình hình thành lý thuyết trường văn học. Mục đích là cho thấy những mối quan hệ của trường văn học với các trường khác trong hệ thống xã hội học của Bourdieu, đồng thời chứng minh những đóng góp của ông trong bức tranh lý thuyết văn học đương đại.