Mức độ tăng IL6 có thể được coi là yếu tố dự báo về các tổn thương của khớp ở bệnh nhân thoái hóa khớp gối nguyên phát. Phương pháp nghiên cứu Nghiên cứu mô tả cắt ngang 26 bệnh nhân được chẩn đoán xác định là thoái hóa khớp gối theo tiêu chuẩn ACR1991 tại khoa cơ xương khớp, bệnh viện E. Các thông tin nghiên cứu được thu thập bao gồm lâm sàng (tuổi, giới, thời gian mắc bệnh), cận lâm sàng (Protein C phản ứng - CRP, IL - 6) và đặc điểm siêu âm khớp gối bao gồm độ dày sụn khớp, tình trạng của dịch khớp. IL - 6 được coi là tăng khi >
7 pg/ml. Kết quả nghiên cứu cho thấy 26 bệnh nhân (45 khớp gối) được lựa chọn vào nghiên cứu. Tuổi trung bình của nhóm nghiên cứu là 64,1 ± 11,4 trong đó hay gặp nhất ở lứa tuổi 60 - 69, nữ chiếm tỷ lệ 88,5%. Thời gian mắc bệnh gặp chủ yếu là 1 - 5 năm chiếm 50,0% và >
5 năm chiếm tỷ lệ là 46,2%. Về đặc điểm siêu âm khớp gối cho thấy bề dày sụn khớp ( mm) LLC là 1,95 ± 0,46
LCN là 1,91 ± 0,51 và LCT là 1,85 ± 0,51. Trong đó có 30/45 khớp có dày màng hoạt dịch chiếm tỷ lệ 66,7% và có 30/45 khớp gối có dịch khớp chiếm tỷ lệ 66,7%. Kết quả cho thấy ở nhóm có tăng IL 6 thì độ dày màng hoạt dịch và độ dày dịch khớp gối tăng hơn so với nhóm có chỉ số IL6 bình thường (p <
0,05). Kết luận, nghiên cứu của chúng tôi bước đầu đã xác định được mối liên quan giữa nồng độ IL6 trong huyết tương với độ dày dịch khớp trên siêu âm và nồng độ CRP ở bệnh nhân thoái hóa khớp gối nguyên phát.