Sự biến đổi độ co rút ngang (co rút xuyên tâm và co rút tiếp tuyến) theo hướng từ tâm ra vỏ và mối tương quan của độ co rút ngang với khối lượng riêng và một số đặc điểm cấu tạo được nghiên cứu cho gỗ Xoan ta 10 tuổi trồng tại tỉnh Thái Bình, Việt Nam. Các mẫu gỗ có kích thước 30 (xuyên tâm) × 30 (tiếp tuyến) × 5 (dọc thớ) mm được cắt theo tiêu chuẩn Nhật Bản (JIS Z2101 - 1994) tại các vị trí chính giữa vòng năm số 2, 4, 6, và 8 từ các thớt gỗ cắt tại chiều cao 1,3 m tính từ mặt đất để đo độ co rút xuyên tâm và tiếp tuyến. Giá trị trung bình co rút xuyên tâm và co rút tiếp tuyến lần lượt là 4,40 và 7,04%. Tỷ số giữa độ co rút tiếp tuyến/co rút xuyên tâm là 1,62. Theo hướng bán kính, cả co rút xuyên tâm và co rút tiếp tuyến của gỗ Xoan ta đều có xu hướng tăng dần từ tâm ra vỏ. Chiều dày vách tế bào và đường kính mạch gỗ đều có mối tương quan dương với độ co rút ngang gỗ Xoan ta. Độ co rút xuyên tâm và tiếp tuyến tăng lên khi khối lượng riêng gỗ tăng. Hệ số tương quan của khối lượng riêng với co rút xuyên tâm là 0,78 (P <
0,01) và với co rút tiếp tuyến là 0,56 (P <
0,01)